Logo Website

MỨC HOA TRẮNG-chữa lỵ amip

20/11/2020
Cây Mức hoa trắng có tên khoa học: Holarrhena pubescens Wall. ex G.Don, họ Trúc đào (Apocynaceae). Công dụng: Mực hoa trắng được dùng điều trị lỵ amip và tiêu chảy bằng vỏ thân và hạt. Còn dùng dạng alcaloid toàn phần hoặc conessin chlohydrat hay bromohydrat trị lỵ amíp, có tác dụng như emetin nhưng không độc. Vỏ cũng được dùng trị sốt, tiêu chảy, viêm gan.

MỨC HOA TRẮNG

Mực hoa trắng Holarrhena pubescens

Mực hoa trắng: Holarrhena pubescens Wall. ex G.Don; Ảnh africanplants.senckenberg.de and ayurtimes.com

Tên khác: 

Cây sừng trâu, cây Mức lá to, Mức hoa trắng, Mộc hoa trắng, Thừng mực, Sừng trâu, Míc lông, Mộc vài (Tày), Xi chào (K’ho), Hồ liên.

Tên khoa học: 

Holarrhena pubescens Wall. ex G.Don, họ Trúc đào (Apocynaceae).

Tên đồng nghĩa

Chonemorpha antidysenterica (Roth) G.Don; Chonemorpha pubescens (Wall.) G.Don; Echites adglutinatus Burm.f.; Echites antidysentericus Roth; Echites antidysentericus Roxb. ex Fleming; Echites pubescens Buch.-Ham.; Elytropus pubescens (Wall.) Miers; Holarrhena antidysenterica (Roth) Wall. ex A.DC.; Holarrhena antidysenterica Wall.; Holarrhena antidysenterica var. macrantha Kerr; Holarrhena antidysentericavar. pubescens (Wall.) J.L.Stewart & Brandis; Holarrhena codaga G.Don; Holarrhena febrifuga Klotzsch; Holarrhena fischeri K.Schum.; Holarrhena glaberrima Markgr.; Holarrhena glabra Klotzsch; Holarrhena macrocarpa (Hassk.) Fern.-Vill.; Holarrhena malaccensis Wight; Holarrhena perrotii Spire; Holarrhena pierreiSpire; Holarrhena tettensis Klotzsch; Holarrhena villosa Aiton ex Loudon; Nerium sinense Hunter ex Ridl.; Physetobasis macrocarpa Hassk.

Mô tả: 

Cây gỗ lớn cao tới 10-12m, trông giống Lòng mức. Nhánh non có lông. Lá mọc đối, hầu như không cuống, nguyên hình bầu dục hay trái xoan, dài 10-27cm, rộng 6-12cm, với 18-20 cặp gân phụ, có lông ở mặt dưới. Cụm hoa xim dạng ngù ở nách lá hay ở ngọn các nhánh. Hoa trắng, rất thơm. Quả đại 2, dài 15-30cm, rộng 5-7mm. Hạt rất nhiều, dài 10-20mm, rộng 2-2,5mm, mào có lông dài 4-4,5mm.   

Phân bố, sinh thái:

Mức hoa trắng phân bố rải rác ở vùng Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ân Độ, Srilanca. Mianma, Thái Lan, Bắc Malaysia, Campuchia, Lào, Việt Nam và Nam Trung Quốc. Cây cũng có ở vùng nhiệt đới châu Phi. Ở Việt Nam mức hoa trắng là cây thường thấy ở vùng núi thấp và trung du, thuộc các tỉnh từ Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng dọc theo miền Trung đến các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Độ cao phân bố dưới 600m.

Mức hoa trắng là cây ưa sáng, chịu hạn tốt do có bộ rễ cọc rất phát triển. Cây thường mọc trong các quần hệ thứ sinh ít có cây gỗ to, ở đồi hay trong kiểu rừng thưa nửa rụng lá ở các tỉnh Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk, Bình Thuận, Đồng Nai,...). Đôi khi cũng gặp trong kiểu rừng xen tre nứa. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, rụng lá vào mùa đông. Sau khi ra lá, cây mới có hoa; hoa thụ phấn nhờ côn trùng. Lượng hoa quả trên một cây thường rất lớn. Quả già tách thành hai mảnh, hạt có túm lông, phát tán nhờ gió. ở Ấn Độ người ta đã xác định 1 kg hạt có từ 32.000 - 35.000 hạt; hạt tươi có sức nảy mầm cao trong vòng 2 - 3 tuần. Hạt để sau một năm không còn khả năng nảy mầm (Wongsatit Chuakul et al, 1999, Holarrhena R. Br; in L. s đe Padua et al, PROSEA NO 12 (1) - Med and Poi. Plants 1, 296 - 299). Mức hoa trắng có khả năng tái sinh cây chồi khỏe sau khi bị chặt. Cây tồn tại được qua đợt cháy rừng, do có phần vỏ thân dày và nhiều nhựa mủ, tái sinh vô tính từ đoạn thân, cành hay rễ.

Nguồn mức hoa trắng ở Việt Nam tương đối dồi dào, nhất là ở các tỉnh phía nam, từ Nghệ An trở vào.

Cách trồng:

Mức hoa trắng thường được trồng ở các vùng đồi núi thấp và ven đường đi, công viên ở đồng bằng. Cây không có yêu cầu nghiêm ngặt về đất đai nhưng không ưa đất ẩm và sình lầy.

Mức hoa trắng có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành. Hạt lấy từ quả chín và gieo ngay vào tháng 9-10. Cũng có thể phơi khô, bảo quản để gieo vào mùa xuân năm sau. Đối với hạt khô, cần ngâm nước ấm 40 - 45°C trong 4 - 5 giờ, sau đó gieo vãi trong vườn ươm, lấp qua đất, dùng rơm rạ hay cỏ khô phủ lại và tưới nước. Sau 10-15 ngày, hạt nảy mầm; lúc này cần dõ bỏ rcfm rạ phủ. Khi cây con cao 10-15 cm, tiến hành tỉa cây, định khoảng cách 20 - 25cm. Những cây tỉa ra có thể đem trồng ở vườn ươm mới với khoảng cách như trên. Hoặc gieo trong bầu, mỗi bầu 2 - 3 hạt, sau tỉa giữ lại một cây khỏe nhất. Tùy thời gian gieo hạt, thời kỳ vườn ươm có thể kéo dài từ 6 -12 tháng.

Cây con thưòng được đánh trồng vào đầu hoặc giữa mùa mưa. Khi trồng, đào hố 40 X 40 X 40cm, cách nhau 2 m, bón lót mỗi hố 10 - 15kg phân chuồng. Sau khi đặt cây con, dận chặt gốc và tưới nước cho đến khi bén rễ. Nếu trồng để kết hợp làm cảnh, có thể trồng thưa hơn, 4 - 5 m một cây.

Mức hoa trắng còn có thể trồng bằng cành. Chọn cành bánh tẻ, đường kính 1,5 - 2cm, chặt thành đoạn dài 20 - 25cm rồi cắm nghiêng xuống hố, mỗi hố 2 đoạn, lấp đất sâu đến 3/4 chiều dài và thường xuyên giữ ẩm. Sau 15-20 ngày, cành giâm sẽ ra rễ và nảy mầm nếu giâm vào mùa xuân. Chỉ cần làm cỏ, tưới nước trong hai tháng đầu sau khi trồng.

Mức hoa trắng trồng 8 - 1 2 năm có thể thu hoạch. Vỏ thân tốt nhất thu từ tháng 12 đến tháng 2, khi lá đã rụng hết. Có thể chặt cây, bóc lấy vỏ hoặc không chặt mà chỉ bóc lấy 3/4 vỏ, phần còn lại để tự tái sinh. Chú ý không cắt vào gỗ vỏ thu xong, thái lát, phơi khô.

Thu hái, sơ chế: 

Các bộ phận của cây quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

Bảo quản

Dược liệu când để ở nơi khô thoáng.

Bộ phận dùng: 

Hạt, vỏ thân.

Thành phần hoá học: 

Alcaloid (conesin, norconesin, holarhenin, conesimin, isoconesimin, conesinidin, conkurchin và holarrhenin...), trong hạt còn có nhiều dầu béo.

Tác dụng dược lý:

Thành phần conesin trong thảo dược ít có độc. Khi sử dụng thành phần này với liều cao, nhận thấy có tác dụng tương tự như morphine (liệt trung tâm hô hấp, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim, kích thích co bóp tử cung và ruột).

Cosein còn có tác dụng diệt giun trong thực nghiệm đối với chuột bạch.

Thí nghiệm trên chuột lang tiêm dưới da, conessin có tác dụng gây tê cục bộ, mạnh gấp hai lần so với cocain; nhưng khi tiêm, thuốc có tác dụng kích thích tại chỗ, gây tổ chức hoại tử nên tác dụng này không được sử dụng trên lâm sàng. Đối với ếch, tiêm dưới da, thuốc có tác dụng gây mê. Conessin có vị đắng, dùng bằng đường miệng có tác dụng ức chế hoạt động các men ptyalin, pepsin và trypsin. Thí nghiệm trên chuột lang, conessin tiêm tĩnh mạch kích thích nhu động ruột. Đối với hệ tim mạch, conessin dùng liều lớn có tác dụng giống quinin, phong bế dẫn truyền nhĩ thất và làm giảm nhịp tim. Đối với hô hấp ở giai đoạn đầu sau khi dùng thuốc, conessin có tác dụng kích thích, tiếp theo làm giảm hô hấp, dùng với liều ngộ độc làm ngừng thở trước khi tim ngừng đập. Ngoài ra, conessin còn có tác dụng diệt côn trùng bằng cách làm bất dục (sterilant) và gây biếng ăn (antifeedant).

- Ngoài conessin, chất kurchicin thí nghiệm trên động vật cũng có tác dụng ức chế tim, đặc biệt là phong bế sự dẫn truyền bó Hiss, đồng thời làm hạ huyết áp. Nó còn có tác dụng kích thích cơ trơn, gây tăng co bóp đối với ruột và tử cung cô lập.

- Alcaloid toàn phần của mức hoa trắng đã được Viện Dược liệu chiết tách và chứng minh có các tác dụng sau: Thí nghiệm trên ống kính, thuốc có tác dụng diệt Entamoeba moskowskii. Thí nghiệm trên mèo, thuốc gây hạ huyết áp và ức chế tim, tác dụng này yếu so với emetin. Liều lượng lớn của thuốc trên súc vật thí nghiêm gây co giật trước khi chết, về độc tính cấp trên chuột nhắt trắng, bằng đường uống, theo phương pháp Litchfield Wilcoxon, alcaloid toàn phần của mức hoa trắng có L50 = 625mg/kg (588 - 700mg/kg) và bằng đường tiêm phúc mạc là LD50= 130mg/kg. Theo tài liệu nước ngoài, cao cồn chiết từ quả mức hoa trắng có tác dụng chống ung thư, và ức chế tế bào carcinom epidermoid từ họng hầu trên môi trường nuôi cấy. Cao chiết nước từ quả có tác dụng hạ đường huyết trên chuột cống trắng. Cao chiết bằng chloroform và methanol từ hạt mức hoa trắng có tác dụng kháng khuẩn đối Bacillus subtilis, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosavà Staphylococcus aureus.

Công năng: 

Sát trùng, chỉ tả.

Công dụng:

- Mực hoa trắng được dùng điều trị lỵ amip và tiêu chảy bằng vỏ thân và hạt.

- Còn dùng dạng alcaloid toàn phần hoặc conessin chlohydrat hay bromohydrat trị lỵ amíp, có tác dụng như emetin nhưng không độc. Vỏ cũng được dùng trị sốt, tiêu chảy, viêm gan.

- Dùng ngoài vỏ cây hoặc lá nấu nước tắm chữa ghẻ. Vỏ rễ giã ngâm rượu cùng với rễ hòe bôi ghẻ.

Cách dùng, liều lượng: 

Thường dùng dưới dạng bột, cồn thuốc, cao lỏng.

- Bột vỏ ngày uống 10g; Bột hạt ngày uống 3-6g.

- Cao lỏng (1/1) ngày uống 1-3g; Cồn hạt (1/5) ngày uống 2-6g. 

- Viên Holanin (hỗn hợp alcaloid), Thuốc tiêm conessin hydrochlorid  hoặc hydrobromid

Bài thuốc

1. Mức hoa trắng trị lỵ amip:

Bài 1: vỏ cây, vỏ cành lớn của cây mức hoa trắng tán bột mịn, mỗi lần uống 10g bột. Hoặc sắc với nước.

Bài 2: Mức hoa trắng, hoàng đằng, mỗi vị 10g, sắc uống trước bữa ăn khoảng 1,5 giờ. Không nên uống lúc quá đói, để tránh bị nôn nao, cồn cào ruột gan. Khi uống cần kiêng ăn các thức ăn có tính tanh, lạnh như cua, cá, ốc...

Bài 3: hạt mức hoa trắng 3-6g, tán bột hoặc sắc nước uống.

Bài 4: cao lỏng hạt mức hoa trắng uống ngày 1-3g.

Trên lâm sàng đã sử dụng dạng bào chế của conessin hydroclorid hay hydrobromid để chữa lỵ amip, đạt hiệu lực như thuốc trị lỵ amip truyền thống emetin, nhưng ít độc hơn và tiện dùng hơn emetin. Vì conessin có tác dụng cả với kén và amip.

2. Mức hoa trắng trị đau bụng, rối loạn tiêu hóa:

Ngoài ra, có thể dùng vỏ cây và lá mức hoa trắng để nấu nước tắm ghẻ, lở. Vỏ rễ giã giập cùng với vỏ của cây hòe, bôi vào chỗ ghẻ, hoặc lở ngứa ngoài da. Cũng có thể pha dưới dạng cồn thuốc để bôi vào chỗ bị bệnh.

Ghi chú: 

Còn có loài Holarrhena curtisii King et Gamble (Hồ liên lá nhỏ) và Holarrhena similis Craib (Hồ liên), là những cây chỉ cao 0,9-2m và quả ngắn 1,5-2,8 cm. Những loài này chưa được nghiên cứu sử dụng.

Kiêng kỵ:

- Không sử dụng cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú nếu không có sự cho phép của bác sĩ.

- Thận trọng khi dùng cho trẻ nhỏ.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org