Logo Website

CÂY NGOI-chữa trĩ ngoại

17/12/2020
Cây Ngoi, La rừng có tên khoa học: Solanum erianthum D. Don, thuộc họ Cà (Solanaceae). Công dụng: Chữa bệnh trĩ, tràng nhạc, hắc lào.

CÂY NGOI

Cây Ngoi Solanum erianthum

Cây Ngoi: Solanum erianthum D. Don; indiabiodiversity.org and johnwagman.com

Tên khác: 

Cà hôi, La rừng, Cà bi, Cà lông, Cây la rừng, Chìa bôi, Co sà lang (Thái), Toong muốc, La rừng, Phô hức (Tày).

Tên khoa học: 

Solanum erianthum D. Don, thuộc họ Cà (Solanaceae).

Tên đồng nghĩa

Solanum adulterinum Buch.-Ham. ex Wall.    

Mô tả: 

Cây bụi nhỏ, cao từ 2-5m, có khi là cây gỗ cao tới 10m. Thân hình trụ, vỏ thân non có màu xanh và phủ một lớp lụng che chở. Lá đơn, mọc cách, không có lá kèm, thuôn nhọn ở hai đầu, toàn lỏ phủ một lớp lụng mịn. Cuống lá dài 2-5 cm, phiến lá to (rộng 4-9 cm, dài 10-23 cm) có mép nguyên, gân lá lông chim, gân lồi cả mặt trên và dưới. Cụm hoa mọc ở ngọn cành, kiểu xim hai ngả, có hiện tượng lôi cuốn, thẳng đứng thường xuất hiện ở đỉnh cành; cuống chung to và chắc dài 3-12 cm; cuống hoa dài 3-5mm. Hoa lưỡng tính đài hình chuông đường kính 1 cm, phủ đầy lụng mềm. Đài 5-7 dính nhau, phát triển cùng quả, màu xanh; thuỳ đài hình trứng, dài 3 mm. Tràng hoa gồm 5-7 cánh hoa hình mũi mác màu trắng, thuỳ tràng cỡ 6-8 x 3-4mm. Nhị 5-7, màu vàng có chỉ nhị rất ngắn (dài 1mm), bao phấn dài 2mm mở bằng khe dọc. Bộ nhuỵ gồm 2 lá noãn dính nhau tạo thành bầu trên, có 2 ô, nhiều hơn có thể do có vách giả, mỗi ô nhiều noãn. Quả mọng hình cầu, đường kính 0,8-1cm, có màu xanh khi chín màu vàng. Hạt rất nhiều, đường kính 1-2 mm. Mựa hoa quả gần như quanh năm, mọc ở nơi đất hoang bụi rậm, rải rác ở ven rừng. 

Bộ phận dùng: 

Rễ, lá. Rễ sau khi đào lên, thái mỏng rồi phơi hay sấy khô. Lá thường dùng tươi.

Phân bố, sinh thái

Ngoi có nguồn gốc ở vùng Tây Ấn Độ hoặc Mexico. Đến thế kỷ 16, cây được người Tây Ban Nha du nhập vào Philippin, sau đó lan ra các nước khác trong vùng và Australia (M.M Blomqvist & Nguyen Tien Ban, 1999; Solanum L, in : PROSEA – NO 12(1), Med. and poisonous plants; 458 p). Hiện nay, ngoi phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, nhất là vùng Đông – Nam Á và Nam Á.

Ở Việt Nam, ngoi cũng gặp rải rác khắp các tỉnh vùng núi và trung du, cá biệt còn thấy cả ở đồng bằng. Cây ưa ẩm và ưa sáng, có thể hơi chịu bóng khi cây còn nhỏ, thường mọc ở ven rừng, nương rẫy cũ hoặc ở đồi. Độ cao phân bố ở các tỉnh phía bắc đến gần 1000m (ở Tam Đảo) hoặc 1300m (ở Pà Cò – Hoà Bình); ở các tỉnh phía nam độ cao có thể đến 1500m.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, khi chín quả có màu vàng cam, là thức ăn của một số loài chim và động vật gặm nhấm. Hạt giống theo phân của chúng phát tán khắp nơi. Cây con mọc từ hạt thường thấy vào tháng 4-5 hàng năm. Cây trồng được dễ dàng bằng hạt.

Cách chế biến và thu hái:

Cây được thu hái quanh năm, lá tươi hai về rửa sạch để làm thuốc. Thân và rễ khi chặt về đem thái miếng mỏng phơi khô để bảo quản dùng dần trong năm.

Thành phần hóa học: 

- Rễ và lá Ngoi chứa solasonin, solamargin, solasodin, solaverbascin, solaverin, khasianine, solaverol A, B, solaverin I, II, III.

- Lá Ngoi có chứa flavonoid: 6,8-di-C-methylkaempferol 3-O-α-L-rhamnopyranoside, myricitrin, kaempferol 3-O-[β-D-glucopyranosyl-(1®2)- β-D-glucopyranoside]-7-O-α-L-rhamnopyranoside, kaempferol 3-O-β-D-glucopyranoside-7-O-α-L-rhamnopyranoside, kaempferol-3-b-D-(6-O-trans-p-coumaroyl)-glucopyranoside (Tiliroside).

- Lá Ngoi có chứa tinh dầu, thành phần chính của tinh dầu quả là  carryophylen và germacren D.

Tác dụng dược lý:

- Tác dụng đối với cơ trơn và cơ vân: Dạng chiết nước từ lá hoặc toàn cây ngoi với nồng độ tương đương với 0,013g dược liệu/ml, có tác dụng gây co bóp hồi trường cô lập chuột lang, cường độ co bóp bằng khoảng 65% co bóp tối da do acetylcholin gáy nên. Atropin có thể ức chế một phần tác dụng gây co bóp trên. Dạng chiết nước còn có tác dụng tăng cường trương lực của hoành tá tràng thỏ cô lập, gây co thắt. Dạng nước sắc đối với hồi trường cô lập chuột lang không có tác dụng rõ rệt, nhưng đối với tử cung cô lập chuột cống trắng và cơ thẳng bụng ếch lại có tác dụng kích thích nhẹ.

- Tác dụng đối với tim mạch: Dạng chiết nước từ lá ngoi trên tim thỏ cô lập có tác dụng ức chế co bóp cơ tim. Trên tiêu bản tiêm truyền mạch chân sau chuột cống trắng, nước sắc lá ngoi không có tác dụng rõ rệt, nhưng lại có tác dụng hạ huyết áp trên chó gây mê tiêm tĩnh mạch.

- Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng dạng chiết nước từ lá ngoi tiêm xoang bụng với liều tương đương 5g dược liệu/kg, có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của phentobarbital.

- Độc tính: Dạng chiết nước thí nghiệm trên chuột nhắt trắng tiêm xoang bụng với liều 10g/kg, có tác dụng gây ức chế, vận động thất điều, hô hấp tăng nhanh; sau 2 giờ, toàn bộ súc vật dùng thuốc đều chết; nếu tiêm tĩnh mạch với liều 2,5g/kg thì xuất hiện triệu chứng ngộ độc giống như trên, nhưng chỉ có 2 trong số 5 chuột dùng thuốc chết, số còn lại hồi phục bình thường sau 24 giờ.

- Độc tính cấp: Cao chiết toàn phần bằng ethanol 400 từ  lá Ngoi cho kết quả liều LD50 là 185 g dược liệu/kg thể trọng động vật thí nghiệm.

- Tác dụng chống oxy hoá bảo vệ tế bào gan: Phân đoạn glycoalcaloidTP có hoạt tính chống oxy hoá tốt nhất 31,49%, phân đoạn ethylacetat có hoạt tính chống oxy hoá 22,92%.

- Tác dụng chống viêm cấp: Phân đoạn glycoalcaloidTP và phân đoạn nước còn lại (liều tương đương 10g dược liệu/kg thể trọng/ngày) có tác dụng chống viêm cấp. Tác dụng mạnh nhất ở thời điểm sau khi gây phù 3 giờ và 4 giờ.

- Tác dụng trên ruột chuột lang cô lập: Phân đoạn glycoalcaloidTP và phân đoạn nước còn lại:  ở nồng độ 0,15% và 0,30% đều có tác dụng tăng trương lực cơ. Phân đoạn ethyl acetat có tác dụng giãn trương lực cơ. 

Tính vị:

Cây ngoi có vị đắng, cay, tính ấm. 

Công năng: 

Tiêu thũng, chỉ thống, thu liễm, sát trùng

Công dụng: 

Chữa bệnh trĩ, tràng nhạc, hắc lào.

Liều dùng, cách dùng:

+ Sa trực tràng: Lá tươi ngắt bỏ cuống và gân giã nát sao cho nóng rồi đắp vào  hậu môn sau khi đã rửa sạch bằng nước ấm. Có thể để nguyên lá hay nướng cháy lá, vo lại cho vào hậu môn. Làm buổi tối truớc khi đi ngủ để tránh đi lại. Bệnh nhân bị sa trực tràng thường khỏi rất nhanh, đi lại bình thường 2-3 năm sau không thấy tái phát. (Bệnh viện Hà Giang-1996).

+ Chứng kết hạch ở cổ: Lá hoặc quả cây Ngoi 10 g, lá dâm bụt 10 g, vỏ rễ hoặc vỏ thân cây gạo (cạo sạch vỏ ngoài) 20 g. Tất cả giã nát để ngập xâm xấp nước vo gạo đặc, đun sôi nhỏ lửa đến khi sền sệt. Để nguội đắp vào chỗ bị  kết hạch ở cổ, băng lại, ngày thay 1 lần. Kinh nghiệm cho thấy có thể chữa chứng kết hạch ở cổ chưa mưng mủ hoặc đã có mủ.

+ Chữa hắc lào: Lá Ngoi tươi giã nát, vắt lấy nước đặc bôi, ngày làm một lần.

Bài thuốc:

1. Chữa lòi dom, trĩ ngoại:

Lấy 1 nắm lá cây cà hôi tươi, đem bỏ gân và cuống, giã nát, sao nóng. Sau đó, đắp vào hậu môn rồi băng lại. Để  khoảng 1 tiếng thì bỏ ra. Người bệnh nên làm vào buổi tối, sau khi tắm. Thực hiện phương pháp trên mỗi ngày 1 lần. Thực hiện liên tục trong vòng 1 tháng sẽ có hiệu quả. Cách làm trên giúp điều trị bệnh khỏi dứt điểm, không tái phát.

2. Chữa lao hạch:

Dùng lá hoặc quả cây ngoi 10g, lá dâm bụt 10g, vỏ thân cây gạo 20g. Tất cả đem giã nát sau đó trộn với nước vo gạo đặc, đun sôi nhỏ lửa đến khi sền sệt thì tắt bếp. Đợi nguội rồi đắp vào chỗ bị kết hạch ở cổ, dùng vải sạch băng lại. Mỗi ngày thực hiện 1 lần.

3. Điều trị bệnh bạch cầu hạt:

Để hỗ trợ điều trị bệnh bạch cầu hạt. Bạn sử dụng cây cà hôi 20g đem sắc với 500ml nước để uống trong ngày. Thực hiện liên tục ít nhất 1-2 tháng bệnh sẽ có chuyển biến tích cực.

4. Chữa đau đầu thay đổi thời tiết:

Sau khi rửa sạch lá Ngoi, bạn đem lá cây ngâm với nước muối để sát khuẩn lại lần nữa. Dùng lá la rừng 1 nắm giã nát và trực tiếp đắp vào 2 bên thái dương, dùng băng giữ thuốc để không bị rơi. Trong thời gian đắp thuốc khoảng 2 tiếng, người bệnh nằm nghỉ ngơi và hạn chế đi lại. Áp dụng bài thuốc liên tục 5 ngày.

5. Chữa hắc lào bằng cây Ngoi:

Cách thực hiện: Tùy thuộc vào khu vực diện tích da bị hắc lào mà bạn sử dụng lượng dược liệu tương ứng. Sau khi sơ chế lá cây la rừng sạch, bạn đem lá Ngoi tươi đi vò hoặc giã nhuyễn lấy nước. Dùng lượng nước này chấm vào vết hắc lào. Mỗi ngày áp dụng 2 lần sau khi tắm hoặc khi đã vệ sinh vùng da bị bệnh sạch. 

6. Bài thuốc trị ghẻ lở:

Cách thực hiện: Sử dụng khoảng một nắm lá cây Ngoi tươi (luôn cành) đem đi rửa sạch. Dùng lá la rừng nấu nước ngâm chân rửa nơi vùng da bị tổn thương. Thực hiện thường xuyên 2 lần/ngày, nên kết hợp với dùng thuốc bôi ghẻ để đạt kết quả như mong đợi.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 200

- theplanlist.org

- efloras.org