Logo Website

BÀO CHẾ TRẦN BÌ (vỏ quýt)

27/03/2020
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch (không rửa lâu), lau cạo sạch phía trong, thái nhỏ, phơi nắng vừa cho khô hoặc sao nhẹ lửa để dùng (trị nôn, đau dạ dày).

TRẦN BÌ (vỏ quýt)

Tên khoa học: Citrus deliciosa Tonore; Họ cam quýt (Rutaceae)

Bộ phận dùng: vỏ quả quýt, vỏ càng lâu năm càng tốt (giàn bếp), ngoài vỏ xù xì là vỏ quýt hôi, khô có mùi thơm, vỏ màu vàng hay nâu xám, không mốc mọt, vụn nát, không lẫn vỏ cam là thứ tốt.

Thành phần hóa học: Có tinh dầu (3,8% khi còn tươi), hesperidin, vitamin A, B.

Tính vị - quy kinh: Vị đắng, cay, tính ôn. Vào phần khí của hai kinh vị và phế.

Tác dụng: Điều lý phần khí, hóa đờm, táo thấp, hành trệ. Làm thuốc thơm mạnh dạ dày, thuốc trừ đờm và thuốc phát hãn.

Công dụng: Trị mửa và ho, trị khí xông lên ngực, hoắc loạn, tiêu thực, chỉ tiết tả, trừ nhiệt đọng ở bàng quang, trừ nước ứ đọng.

Liều dùng: Ngày dùng 4 - 12g.

Kiêng kỵ: không thấp, không trệ, không đàm thì ít dùng.

Cách bào chế:

Theo Trung y:

- Nêu dùng làm thuốc hòa trung tiêu, điều dạ dày thì để xơ trắng; nếu dùng làm thuốc hạ khí tức, tiêu đờm thì cạo sạch xơ trắng (Lý Thời Trân).

- Muốn bỏ lớp xơ trắng thì cho ít muối vào nước sôi hòa tan, tẩm cho mềm thấu, cạo bỏ hết gân và xơ trắng, phơi khô dùng, cũng có khi sao hoặc sấy tùy từng trường hợp (Thánh Tế Kinh).

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

- Rửa sạch (không rửa lâu), lau cạo sạch phía trong, thái nhỏ, phơi nắng vừa cho khô hoặc sao nhẹ lửa để dùng (trị nôn, đau dạ dày).

- Rửa sạch, cạo bỏ lớp trắng ở trong, thái nhỏ phơi khô, có khi tẩm mật ong hay muối sao qua dùng (trị ho).

Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh nóng ẩm.

Ghi chú: ta còn dùng vỏ quả non của nhiều giống cây Citrus là thanh bì. Công dụng và cách bào chế cũng như trần bì.

Hạt quýt (quất hạch) trị sa đì, khi dùng tán dập, Ngày dùng 6 - 12g, hoặc phối hợp hạt vải (gấp 10 lần hạt quýt) nấu nước nóng thay trà.

Tham khảo Bào chế Đông dược 2005