Logo Website

TRỊ PHÁP CỦA DỤ GIA NGÔN

15/02/2021

ĐIỀU 125. TRỊ PHÁP CỦA DỤ GIA NGÔN 

Dụ Gia Ngôn chữa một người trước đã phạm phòng lao, sau lại bị thương hàn đến hơn 10 ngày, đâm ra quyết nghịch, một ông đã cho là âm chứng, định dùng các vị Khương, Phụ có tác dụng ôn tán để điều trị... Gia Ngôn không nghe, đổi cho uống bài Điều Vị thừa khí thang, uống hết một thang, "quyết" khỏi, nhiệt thấu; tiếp đó cho uống Đại sài hồ thang, nhiệt hết bệnh khỏi. Các học trò hỏi về nguyên lý điều trị, Gia Ngôn bảo: "Phàm bệnh Thương hàn, ban đầu phát nhiệt, nấu nung tân dịch, mũi khô, miệng khát, tiện bế, dần dần sẽ đi đến tình trạng phát quyết... Như vậy, còn ai biết là nhiệt nữa. Còn như "dương chứng mà bỗng dưng biến thành hàn" thì trong muôn phần chưa chắc đã có một. Bởi Âm quyết phát sinh do âm chứng, mới bắt đầu đã trúng thẳng ngay vào âm kinh, môi xám, mặt nhợt, khắp mình ra mồ hôi lạnh, ỉa dễ không khát, mình mỏi ngủ nhiều, lúc thức dậy lại tỉnh táo như thường. So với hiện tượng truyền kinh nhiệt tà của bệnh Thương hàn" càng vào càng sâu, mê man, quyết lãnh” v.v... khác nhau rất xa. Còn như bệnh này, trước bị phạm phòng, sau bị Thương hàn... các y gia phần nhiều bị cái danh từ "âm chứng" nó ám ảnh, thường dùng những bài như Tứ nghịch cho uống, kết quả đi đến tình trạng "âm kiệt" không thể cứu, mà vẫn không tỉnh ngộ, thật là đáng ngán! Ngẫm như vừa bệnh phòng lao, mà lại bị thương hàn, bệnh thế chẳng qua chỉ có nặng hơn, như phát nhiệt thì nhiệt đến cực độ, ố hàn thì ố đến cực độ, đầu rức thì rức đến cực độ... Sở dĩ như vậy là do âm hư bị dương lấn hiếp, so với tình trạng "âm thịnh vô dương" thật là khác hẳn. Nên biết rằng bệnh Thương hàn khi mới phát, đã biểu hiện chứng hậu phát nhiệt, khát nước... Đã biết ngay là âm phận khuy tổn sẵn rồi. Phàm chữa về âm chứng, phải lấy cứu dương làm chủ yếu. Tuy Thương hàn cũng có dương hư, nhưng khi chữa cũng phải nhận xét thể chất của người ấy như thế nào, coi chừng âm phận có thể chịu đựng được dương dược, mới có thể dùng phương pháp hồi dương. Nếu thấy bệnh nhân mặt sạm lưỡi đen, mình như que củi, một khối "hỏa tà” đang đốt cháy trong tạng phủ, thì âm đã kiệt hết rồi, còn dương đâu mà hồi được nữa! Cho nên thấy "quyết” nên phải trừ nhiệt, để cấp cứu lấy một vài phần tân dịch, cũng còn e chưa kịp, huống là còn dám dùng dương dược để làm tổn âm nữa hay sao! 

Xem đoạn giải thích của Gia Ngôn, thật là rõ ràng xác đáng, tưởng những ai ham chuộng Quế, Phụ tự coi chữa Thương Hàn dám dùng Quế, Phụ là cao thủ, cũng nên cảnh giác. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990