Logo Website

TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ

18/04/2021

ĐIỀU 188. TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ 

I. Cụ Phan Minh người miền Trung, cán bộ Mặt trận Tổ quốc khu Ba Đình, nói chuyện với tôi: "Có một người đàn ông bị bệnh hư lao đã 3, 4 năm, nằm tại bệnh viện Nhà Chung (Đạo giáo), sau khi thuốc thang hàng năm không hiệu quả. Vị Mục sư bảo anh ta: "Bệnh thế của con, trừ khi nào có làm được bộ phổi mới khác thay thế bộ phổi thối nát của con, mới khỏi được, giờ thì con đành về nhà mà đợi đến ngày chết thôi". Người ấy nghe lời về nhà, thuật lại với vợ lời của Mục sư. Người vợ cũng chỉ đành đau đớn không biết làm thế nào. Cách mấy ngày sau, người vợ nghĩ thương chồng, hỏi chồng có thèm muốn ăn thứ gì thì bảo để mua. Người chồng nói chỉ thèm thịt chó. May gặp dịp ở cùng xóm có nhà thịt chó "ăn đụng" (kiểu án gép; hai, ba gia đình chia chung thịt một con vật), người vợ cố nói khéo họ bớt cho một góc con chó, đem về nấu cả để dành cho chồng ăn. Góc chó nấu được 4 bát to đầy, bữa đầu ăn ngon miệng, anh ta ăn hết hai bát, người vợ cất kỹ để dành cho chồng ăn dần. Đêm hôm ấy, anh ta ngủ một giấc suốt sáng, không ho hắng gì. Sáng ngày ngủ dậy, lại thấy tỉnh táo hơn mọi ngày. Anh ta liền nói chuyện với vợ, người vợ mừng nói: “Có lẽ mình ăn thịt chó ưa” cũng nên. Liền đem đun lại hai bát còn hôm trước cho chồng ăn cả. Từ hôm đó trở đi, anh ta tự nhận thấy khí lực tăng tiến nhiều, bệnh thế giảm đi quá nửa. Người vợ thấy vậy, mừng quá, cách mấy hôm, lại cố bán chác, mua một góc chó nữa cho chồng ăn. Từ bữa đó trở đi, bệnh hư lao của anh ta dần dần khỏi hẳn. Hiện giờ (1962) anh ta vẫn còn”. 

Nghe câu chuyện của Cụ Minh thuật, tôi không khỏi có ý hoài nghi, bệnh hư lao bị tới 4, 5 năm, thầy thuốc đã chịu cho về để đợi ngày chết. mà lại chỉ ăn có 2 bữa thịt chó, khỏi hẳn, là lý gì? Không biết học hỏi ở ai, tôi đành học hỏi các cụ Lý Thời Chân, Mạch Sằn, Hoằng Cảnh vậy. 

Trong Bản thảo cương mục chép:
Thịt chó: Tính chát: vị mặn, chua, tính ấm, không độc
Công năng: Ôn bổ Tỳ Thận, trừ hàn giúp dương. Dùng làm thuốc “Ôn dưỡng cường tráng”. Chủ trị: Yên 5 Tạng, bổ thất thương, nhẹ minh ích khí. 

Thực liệu bản thảo của Mạnh Sàn chép: "Bổ ngũ lao, thất thương, ích dương sự, bổ huyết mạch, khỏe Trường Vị, bổ sung tinh tủy". 

Nhật hoa bản thảo chep: "Bổ Vị khí, khỏe dương đạo, làm ấm eo lưng và đầu gối, thêm khí lực”. 

Bản thảo của Đào Hoằng Cảnh chép: ”Chó trắng, chó đen đều dùng làm thuốc. Thịt chó vàng rất bổ hư lao, được chó đực càng tốt hơn.” 

Xem các thuyết trong các bản thảo vừa dẫn trên, đủ rõ công năng của thịt chó - nhất là thịt chó vàng - Vậy cái thèm của anh bị bệnh hư lao - do cụ Minh kể chuyện - lại thèm được đúng với vị thuốc, thật là may mắn cho anh ta vô cùng! 

II. Nhân câu chuyện trên, lại nhớ đến thứ rượu tên là “Mậu tuất tửu” phương pháp chế đơn giản, không tốn mấy, mà có tác dụng "đại bổ nguyên khí”, xin chép ra đây để giúp mọi người suy yếu, nhất là già yếu, nếu làm được thì ích lợi không phải nhỏ. 

"Dùng một con chó vàng lớn, sau khi làm lông, bỏ ruột - phải giữ lấy máu - đem luộc thật nhừ, dã nát nhuyễn, dùng 5 cân gạo nếp thổi cơm, đem trộn với thịt chó cho đều rồi rắc men rượu vào, đem ủ, chừng 6, 7 ngày đem cất như cất rượu. Dùng để uống vào lúc đói. Mỗi ngày vài chén. 

Nguồn trích: CHƯƠNG X: VỊ THUỐC VÀ PHƯƠNG THUỐC - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990