Logo Website

BÀM BÀM NAM-dùng ngâm trong nước để tắm và gội đầu

11/02/2021
Cây Bàm bàm nam có tên khoa học: Entada rheedii Spreng., thuộc họ Ðậu (Fabaceae). Công dụng: Thân thường được dùng ngâm trong nước để tắm và gội đầu. Hạt đốt tán bột uống trị tức ứ, làm huyết mạch lưu thông, trục huyết hư, nhưng kỵ thai.

BÀM BÀM NAM

Bàm bàm nam Entada rheedii

Bàm bàm nam: Entada rheedii Spreng., Photo en.wikipedia.org and amazon.in

Tên khác: 

Dây tram, Bàm bàm lá nhỏ

Tên khoa học: 

Entada rheedii Spreng., thuộc họ Ðậu (Fabaceae).

Tên đồng nghĩa

Acacia scandens auct. non Willd.; Adenanthera gogo Blanco; Entada gigalobium "sensu auct., p.p."; Entada gigas G.C.C.Gilbert & Boutique; Entada gogo (Blanco) I.M.Johnst.; Entada monostachyaDC.; Entada phaseoloides sensu auct.; Entada pursaetha DC.; Entada pusaetha DC. [Spelling variant]; Entada rheedei Spreng. [Spelling variant]; Entada rheedii subsp. rheediiEntada scandens sensu auct.; Entada scheffleri Ridl.; Mimosa entada L.

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Dây leo to hoá gỗ, nhẵn hoặc với chỉ ít lông rải rác. Lá kép lông chim, có cuống dài 3,5-7,5cm, trục dài 5-15cm. Lá chét 3-4 đôi; hình trái xoan tới bầu dục - ngọn giáo, dài2,5-7cm, rộng 1,3-3,5cm, nhọn hoặc tù, rách mép hoặc chẻ đôi ở chóp. Cụm hoa bông dài 13-25cm, có lông. Hoa có cuống hoa ngắn 0,3cm. Đài cỡ 1mm, thành chén loe ra, nhẵn hay có lông rải rác. Cánh hoa cỡ 3mm, hình bầu dục tới ngọn giáo, nhọn ở chóp. bầu 1-1,5mm, nhẵn, có cuống ngắn cỡ 0,5mm. Quả đậu thẳng hay hơi cong, dài tới 2m, rộng 7-15cm, các đốt 6,5-7,5cm; vỏ quả ngoài hoá gỗ, vỏ quả trong dai, hoá gỗ, dày 2-4mm. Hạt hình mắt chim, dẹp, đường kính 3,5-4cm, dày cỡ 1cm, có vỏ hạt màu nâu, dày.

Mùa hoa quả:

9-11

Bộ phận dùng: 

Thân dây và hạt (Caulis et Semen Entadae).

Phân bố: 

Trên thế giớicây phân bố ở châu Phi, châu Á nhiệt đới và châu Ðại Dương. Ở nước ta Cây mọc tự nhiên trong các rừng thứ sinh thường xanh và rụng lá trên đất có đá

Sinh thái

Thường gặp trong rừng xanh và rụng lá trên đất có đá hoặc có cát, tới độ cao 1200m. 

Thu hái: 

Thu hái dây quanh năm, thường dùng tươi. Hạt lấy ở những quả già.

Thành phần hoá học: 

Thân cây chứa saponin; hạt chứa hàm lượng saponin cao hơn và còn chứa một glucosid độc.

Tính vị

Dây có vị hơi đắng và se, tính bình. Hạt có vị ngọt và se, tính bình, có độc

Tác dụng: 

Thân đập dập ngâm nước, sẽ cho một chất lỏng màu hung có tính chất của xà phòng. Có tác dụng trừ phong thấp và hoại huyết. Có tác dụng chống co giật, giảm đau, lợi tiểu.

Công dụng: 

Thân thường được dùng ngâm trong nước để tắm và gội đầu. Hạt đốt tán bột uống trị tức ứ, làm huyết mạch lưu thông, trục huyết hư, nhưng kỵ thai.

Bài thuốc:

1. Thuốc cao chữa đau bụng máu, dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau ngang thắt lưng, đau bụng dưới.

Ké đầu ngựa 1kg, vỏ Quýt 100g, Gừng lùi 5 chỉ, Dây cứt quạ nhỏ lá 1kg, lá Quao 1kg, Cỏ mực 1kg. Thuốc cứu 1/2kg và trái Bàm bàm nam rang vàng tán nhỏ 300g. Trừ bột trái Bàm bàm nam ra, còn mấy vị kia đổ nước nấu sôi châm nước thêm 3 lần, lượt bỏ xài nấu sền sệt thành cao, gia thêm bột trái Bàm bàm nam quậy đều. Mỗi lần uống từ một đến ba muỗng cà phê, ngày hai lần, uống khi bụng đói.

2. Chữa sản hậu nuốt hơi tức ngực.

Rễ Lài dưa sao vàng với rượu 100g, ruột trái Bàm bàm nam đốt cháy đen 100g, hai món hiệp chung tán nhỏ trộn đều. Mỗi lần uống từ 1-2 muỗng cà phê, ngày 2 lần với nước nóng.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- theplanlist.org