Logo Website

VỀ NUÔI DƯỠNG TRẺ EM

03/04/2021

ĐIỀU 175. VỀ NUÔI DƯỠNG TRẺ EM

Tôi thấy người đời nay nuôi trẻ em từ đồ mặc đến thức ăn có nhiều điểm trái ngược với cơ năng sinh lý của trẻ em. Trong Nho môn sự thân của Trương Tử Hòa có một bài tiêu đề là: "Yêu trẻ lại hóa ra làm hại trẻ" có nhiều ý nghĩa rất hay. Ví dụ: "Trẻ em khi mới sinh, Trường Vị còn non yếu, dễ no, dễ đói, dễ hư, dễ thực, dễ hàn, dễ nhiệt. Khúc Lễ nói: "Trẻ em không nên mặc áo lông cừu. Đó là nói: "áo cừu rất ấm, dễ làm hao âm khí. Đời xưa trẻ đến 15 tuổi vẫn là nhi đồng, vẫn chưa được mặc áo lông cừu. Người đời nay nuôi trẻ, giữa mùa Hạ cũng dùng nệm bông buộc bụng; lại bế ẵm suốt ngày, hơi mẹ hơi con hấp lại càng thêm ngột ngạt; thấy tiết trời hơi rét, đã giữ trong buồng kín, lò lửa đốt sưởi suốt ngày, hơi nóng bên trong không còn lối bài tiết, khí lạnh ở bên ngoài không một chút lọt vào. Ở vào trường hợp đó dù người già yếu cũng phải khó chịu, huống chi là thể chất "thuần dương” như trẻ con thì chịu sao nổi. Ngọc phù Tiềm Quyết luận nói: "Trẻ em bị bệnh thường gây nên bởi quá no". Người đời nay nuôi trẻ em, không lượng xét Trường Vị của nó chứa đựng là bao. Hễ thấy oa khóc, tức là nhét vú ngay vào mồm, cứ cho bú mãi, có khi đến "trớ" (ói, mửa) ra cả sữa mới thôi. Đến khi nó đã biết ăn, vô luận là thức gì hễ thấy nó đòi ăn là cho ăn. Trẻ em khi mới sinh, nó có biết gì đâu, chỉ có sở trường về "kêu" với "khóc". Hai cái đó tức là nguồn gốc của các loại bệnh. Nên biết rằng: trẻ em khi mới sinh, ngoài bệnh “thai độc” chỉ có 4 loại bệnh là: “kinh, cam, thổ, tả” mà cái nguyên nhân của 4 loại bệnh đó chỉ có 2, một là "quá no”, hai là "quá ấm”. Kinh là do hỏa lấn phong mộc của Can; Cam là do nhiệt lấn thấp thổ của Tỳ; Thổ là do hỏa lấn lên Vị cách, quá lắm thì dồn ngược lên; Tả là do hỏa lấn sang Can với Đại trường mà thành tả. Sữa là do huyết theo Kim hoa mà rất hàn. Trẻ em bú sữa, thân thể mập mạp. Nhưng cái thể chất của sữa vốn là Thủy, cho nên trẻ em bị "thương nhũ" - (tức là bú quá nhiều mà bị thương) phần nhiều hóa theo thấp. Thấp với nhiệt cùng nung nấu, chứng "thổ, lợi” sẽ do đó mà phát sinh. Lưu Hà Gian dùng các bài Thông thánh, Lương cách, Thân khung, ích nguyên để điều trị đều thu được kết quả rất tốt (...). Chủ yếu của bệnh trẻ em là Thấp nhiệt, tôi thường dùng 3 vị Khiên ngưu, Đại hoàng, Hoàng liên tán bột, luyện làm viên nhỏ, tùy lớn bé, khỏe, yếu chia nhiều ít cho uống, rất công hiệu (...). Chữa bệnh trẻ em nên chia loại: giàu, nghèo, sang, hèn để điều trị. Những nhà giàu sang, áo ăn có thừa, con đẻ ra thường yếu; những nhà nghèo hèn, áo ăn không đủ, con đẻ ra thường khỏe. Con nhà nghèo, thường không mấy khi được thỏa sự thèm muốn của nó; dù gặp sự trái ý, cũng không dám giận. Giận ít thì bệnh ở gan ít. Con nhà giàu, sự thèm muốn luôn luôn được thỏa mãn. Có điều gì hơi trái ý thì tức giận ngay. Vì giận nhiều nên bệnh ở gan nhiều. Can thuộc mộc, bị bệnh thì lấn sang Tỳ (...). Nhà nghèo nuôi con có 4 điều rất hợp với phương pháp nuôi trẻ: 

1. Áo mặc vừa phải, uống ăn đạm bạc, ít sự thèm muốn, ít điều giận dữ. 

2. Không tiền mua thuốc, bệnh sẽ tự khỏi, không bị bọn thầy xoàng chữa nhả hoa mù. 

3. Khi còn ở trong bụng mẹ, mẹ lao động luôn, khí huyết được chu lưu, thân thể được đày đặc. 

4. Mẹ lao động luôn nên khi đẻ được dễ dàng. Bốn điều kể trên đều tương phản với nhà giàu. Vậy thì nhà giàu nuôi con, lại có thể dễ dàng được chăng? 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990