Logo Website

PHÂN TÍCH PHÉP HÃN

21/01/2021

ĐIỀU 97. PHÂN TÍCH PHÉP HÃN 

Hãn là một phương pháp rất thông dụng cho chứng ngoại cảm. Nhưng khi sử dụng lại phải tùy theo bệnh thế để biến hóa, không thể cứ một mực thấy không có mồ hôi là dùng ngay Ma hoàng thang, hoặc Sâm tô ẩm v.v... mà khỏi được bệnh, Xin nêu mấy y án làm thí dụ: 

1. Một bệnh nhân đã ngoài 50 tuổi, làm việc lao động vất vả, lại thêm vừa đói vừa rét. Bị chứng rức đầu ố hàn, phát nhiệt, các khớp xương đau rức, không có mồ hôi, thỉnh thoảng nói sảng. Tự uống bài Sâm tô ẩm để cho ra mồ hôi. Mồ hôi tuy ra nhiều mà nhiệt vẫn không lui. Đến ngày thứ tư, mời Đan Khê đến chẩn. Mạch Hồng Sác bên tả hơn bên hữu. Sau khi hỏi rõ nguyên nhân trước khi bị bệnh, Đan Khê nói: "Đây là chứng nội thương, đã vì lao lực lại thêm vì đói mà Vị hư, Dương minh tuy có phạm phải hàn tà, cũng không nên công kích, cần phải đại bổ cho chứng hư, chờ khi nào Vị khí đầy đủ, sẽ tự ra mồ hôi mà khỏi. Liền dùng Sâm, Kỳ, Qui, Truật, Trần bì, Cam thảo, gia Phụ tử 2 phiến, cho uống luôn một ngày một đêm hết 5 gói. Đến ngày thứ 3, miệng hơi khô nhưng nói năng đã không lẫn lộn, các chứng tuy khỏi mà nhiệt vẫn chưa lui. Liền bỏ Phụ tử, gia Thược dược. Lại qua 2 ngày, bệnh nhân đã có ý muốn ăn, tinh thần dễ chịu Đan Khê bảo người nhà lấy thịt lợn nạc luộc kỹ, lấy nước cho uống. Lại qua 3 ngày, mồ hôi tự toát ra nhâm nhấp khắp mình, bấy giờ nhiệt mới lui, chẩn lại mạch, vẫn còn Hồng Sác. Đan Khê nói: "Mạch tượng "Hồng" ở kinh này nên coi như "Đại", vì người già mà phát hãn nhầm, về sau thể nào cũng phải xuất hiện ra hư chứng. Lại cứ dùng bài thuốc trước cho uống. Qua hôm sau, bệnh nhân tự nói: "Đã 13 ngày không đi đại tiện được. Tới nay, có lúc muốn đi phải rặn như người bị kiết lỵ, mà cũng không đi được. Ý muốn dùng Đại hoàng để hạ...” Đan Khê nói: không phải thật là chứng bế tiện đâu, chỉ vì phát hãn nhầm làm cho khí hư, không đủ sức để dồn đại tiện xuống đấy thôi. Vẫn cứ cho uống bài thuốc trước và uống nhiều nước thịt luộc kỹ. Đồng thời cho đun một nồi nước Xuyên tiêu và Thông bạch, đổ nước ra chậu, khi nước còn nóng già, bảo bệnh nhân ngồi ngâm. Cách đó chừng 2 giờ, bệnh nhân mới đại tiện được. Rồi vẫn cứ bài thuốc trước uống tiếp tục tới nửa tháng, mới thật khỏi. 

Xem ông Đan Khê chữa bệnh trên đây, thật là có định kiến lập trường, mới dám dùng Sâm, Kỳ, Qui, Truật... lâu đến như vậy. Lại càng nhận thấy đối với người già sử dụng phương pháp phát hãn là rất khó. Phát hãn đã khó, thì Thổ, Hạ lại càng khó đến chừng nào? 

2. Đào Tiết Am chữa một người bị thương hàn đã 4, 5 ngày. Thổ huyết mãi không dứt. Y giả cho uống Tê giác địa hoàng thang, Mai hoa thang v.v... Càng uống càng kịch. Đào chẩn mạch: Phù, Khẩn và Sác. Nói: nếu không cho ra mồ hôi, bệnh tà bài tiết ra đằng nào được? Liền cho uống một thang Ma hoàng thang, mồ hôi ra được, liền khỏi. Có người hỏi: Trọng Cảnh nói: "Người bị "nục” không thể phát hãn, người bị vong huyết không thể phát hãn...", vậy sao bệnh này lại dám dùng Ma hoàng thang? Đào trả lời: "Người bị nục lâu, mất huyết đã nhiều, nên không thể phát hãn. Còn như người này vốn thuộc loại bệnh cần phải phát hãn mà không phát hãn, do đó nhiệt độc uẩn kết lại mà thành thổ huyết. Giờ làm cho huyết với tân dịch phân tách hẳn ra, thì bệnh sẽ khỏi". Cho nên Trọng Cảnh lại có chỗ nói: "Thương hàn mạch Phù Khẩn mà không phát hãn, nhân đó mà gây nên chứng Nục. Cho uống Ma hoàng thang... Bởi phát được hãn, thì nhiệt độc sẽ bài tiết ra được, mà chứng huyết tự khỏi. 

Thổ huyết mà dùng Ma hoàng thang, lại dẫn kinh văn để giải thích... Tiết Am thật đáng là công thần của Trọng Cảnh. Lại xét: bài Ma hoàng thang tuy là chính dược của kinh Thái dương, nhưng nếu sử dụng không đúng mùa, không đúng kinh, và không phù hợp với thể chất của bệnh nhân... rất dễ gây nên tai hại. 

Tôi đã thấy một ông lương y bình nhật rất tự phụ là quán triệt Thương hàn của Trọng Cảnh. Mùa thu cảm hàn phát sốt... Tự cắt 2 thang Ma hoàng thang để uống... Sau khi uống 3, 4 giờ, bỗng dưng mắt đỏ, môi se, lột bỏ quần áo như người điên không biết hổ thẹn... Rồi thành hoại bệnh. 

Lại một người khác cảm mạo phong hàn, dùng Ma hoàng 5 đồng cân, đun lấy nước đặc để uống... Tức thời phát sinh chứng thổ huyết, chữa mãi không khỏi mà chết. Dùng Ma hoàng thang để phát hãn có phải là việc dễ dàng đâu. 

Trên đây mới chỉ nói về chứng hậu nên dùng Ma hoàng hay không nên dùng Ma hoàng. Lại còn về hoàn cảnh địa dư cũng cần phải phân biệt. Như ông Du Chấn nói: "Người thuộc vùng Nam kinh bị bệnh Thương hàn, trong 10 người thì thì 2,3 là uống được Ma hoàng; còn như người thuộc vùng Giang Bắc hoàn toàn phải dùng Ma hoàng mới có công hiệu. Ngoài vấn đề hoàn cảnh địa dư, lại còn trường hợp do phú bẩm khác nhau, nên đến khi dụng dược cũng cần phải phân biệt Như Triệu Dưỡng Quỳ nói: "Con người Thái dương dù mùa đông cũng không cần mặc áo bông, thường uống nước lã, sắc dục vô độ, đại tiện vài ngày mới đi một lần Cầm, Liên, Chi, Bá và Tiêu, Hoàng uống luôn hàng ngày cũng không hề chi... Con người Thái âm, dù mùa Hạ cũng vẫn ưa mặc áo dày, uống nước nóng, hơi ăn thức lạnh là đau bụng đi rửa ngay... Sâm, Truật, Khương, Phụ, Quế uống như cơm bữa, cũng chẳng sao... Suy các lẽ đó, thì mỗi khi gặp một bệnh nhân, ta có thể dùng bừa những nghiệm phương của người xưa chăng?... 

3. Hứa Thúc Vi chữa một người bị thương hàn, phát nhiệt, rức đầu, phiền, khát. Mạch tuy Phù Sác mà vô lực, Xích bộ Trì mà Nhược. Hứa nói: tuy là chứng hậu của bài Ma hoàng, nhưng Xích bộ Trì Nhược. Trong Thương hàn có chỗ nói: "Mạch ở Xích bộ Trì, là do Dinh huyết không đầy đủ”, chưa phát hãn được. Liền cho uống bài Kiến trung thang gia Đương qui, Hoàng kỳ. Sang ngày hôm sau, mạch vẫn chưa thay đổi. Người nhà bệnh nhân đòi cho uống thuốc phát hãn... đến nỗi tỏ thái độ gắt gỏng. Hứa cố nhịn, chỉ cho uống bài Kiến trung gia vị để điều dưỡng Dinh huyết. Tới 5 ngày, mạch ở Xích bộ mới có lực, liền cho uống luôn 2 nước bài Ma hoàng thang. Cách vài giờ sau, bệnh nhân bỗng như phát cuồng, một lát ngủ thiếp đi, mồ hôi đã ra nhâm nhấp khắp mình, bệnh liền khỏi. 

Xem án này, ta nhận thấy y giả chữa bệnh cần phải nhận rõ biểu, lý, hư, thực và đợi đến đúng ngày đúng mức, theo thứ tự mà dụng dược, mới thu được kết quả. Nếu chỉ nhằm lấy lợi ngay trước mắt, tuy khỏi chóng, mà để hại cho Tạng Phủ về sau.. thì còn gọi là "lương y từ mẫu” sao được? 

Nguồn trích: CHƯƠNG VII: Y LÝ VÀ Y ÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990