Logo Website

NGHIỆM ÁN VỀ TRÚNG KHÍ

22/02/2021

ĐIỀU 132. NGHIỆM ÁN VỀ TRÚNG KHÍ 

Hồi trước, ở làng tôi (Hương Ngải) có tục hội lão vào ngày Rằm tháng Giêng. Ai đến tuổi lên lão (từ 50, 60, 70 v.v...) thì từ chiều 14, phải têm 100 miếng trầu, đem ra chùa cúng Phật, đến sáng hôm sau sẽ chia trầu ấy cho toàn dân làng, mỗi người một miếng. (Có 3 cụ lên lão thì 300 miếng, 10 cụ lên lão thì 1.000 miếng trầu). Tuy nói là chỉ têm 100 miếng trầu, nhưng đó là chính lễ. Ngoài ra cũng không khỏi có sự tốn kém. Vì trong một nhà, một họ... được có người lên lão, ai mà không mừng, do đó mà có nhà đã ăn uống từ chiều ngày 14. Tôi còn nhớ, năm ấy là năm Nhâm dần, có một ông họ Nguyễn đã ngoài 60, chiều 14 đã đi ăn uống ở nhà một cụ người cùng họ lên thọ 70, sau khi đi ăn uống, ngủ luôn ở đấy. Sáng hôm sau cùng ra chùa làm lễ và họp lão, rồi lại về đấy ăn uống...Đương ăn dở dang, bỗng ngã ngất, bất tỉnh nhân sự, hai hàm răng nghiến chặt, toàn thân giá lạnh... Khi mời tôi đến, tôi hỏi qua quá trình phát bệnh, người nhà thuật lại sự uống ăn, thức đêm và dậy sớm như tôi vừa nói ở trên. Tôi liền chẩn mạch, thấy cả 6 bộ đều Trầm Hoạt... Sẵn trong túi có Tô hợp hương hoàn, lấy một viên bảo người nhà vắt nước gừng mài đổ cho uống, chừng 5 phút, bệnh nhân đã hồi tỉnh. Rồi ra nhà ngoài bảo lấy giấy bút để thanh đơn.. Vừa lúc đó, một ông lang người cùng họ với bệnh nhân, lại gàn tôi, nói: bệnh này ngoài Tam sinh ẩm không còn bài nào chữa được nữa.. Xin cụ cứ Tam sinh ẩm mà kê.. Tôi cười nói: bài Tam sinh ẩm là bài trị thốt trúng mê man bất tỉnh. 6 bộ mạch đều Trầm Phục v.v... nhưng lực lượng của nó quá mạnh nên khi dùng nó, phần nhiều phải dùng Nhân sâm để kiềm chế. Nếu không có Nhân sâm mà dùng chuyên một mình nó, e không khỏi gây nên tai vạ. Còn như bệnh tình của ông Cụ này, tuy cấm khẩu, mình lạnh mà mạch chỉ Trầm Hoạt, chưa đến nỗi Trầm Phục, vừa rồi mới uống có một viên Tô hợp hương hoàn, mà đã hồi tỉnh.. Theo ý tôi thì chẳng qua chỉ là:"Trúng khí và kiêm thực trệ", dùng phương pháp bình thường cũng có thể điều trị được, hà tất phải dùng tới bài thuốc mãnh liệt đó làm gì? Lại còn một điểm nữa ta cũng cần phải phân biệt. Tức là phân biệt Trúng phong với Trúng khí khác nhau như thế nào? Trúng phong mình ấm, trúng khí mình lạnh, trúng phong nhiều đờm rãi, trúng khí không đờm rãi, trúng phong có mồ hôi, trúng khí không mồ hôi, trúng phong mạch Phù, trúng khí mạch Trầm v.v... Chỉ nhận xét mấy điểm khác nhau đó thì bệnh này có nên uống bài Tam sinh ẩm hay không, chắc ông cũng đã rõ. Ông lang kia nghe nói có vẻ đuối lý, liền đưa giấy bút cho tôi và nói: "Vâng, xin cụ tùy ý cụ, kê bài gì thì kê, miễn là bệnh được khỏi...". Tôi liền kê bài Hoắc hương chính khí tán, bỏ Bạch truật, gia Hương phụ cắt thành thang lớn ngót 4 lạng ta. Uống hết 2 thang hoàn toàn bình phục. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990