Logo Website

KINH NGHIỆM CHỮA DI NIỆU

12/03/2021

ĐIỀU 150. KINH NGHIỆM CHỮA DI NIỆU 

Biện chứng luận trị, tùy bệnh sử phương là một nguyên tắc trị liệu đặc sắc của Đông y. Làm Đông y mà không nắm vững được nguyên tắc đó, sẽ đi đến tình trạng nhắm mất dùng bừa các phương thuốc kinh nghiệm, không còn biết gia giảm và quân thần tá sứ là gì. Mấy y án chữa bệnh di niệu của Trương Thạch Ngoan dưới đây nói lên tầm quan trọng đó. 

- Mẫn Thiếu Giang tuổi đã già, thể chất lại béo và khỏe vẫn đam phòng dục. Do đó bị một bệnh tới 30 năm, chữa vẫn không khỏi. Hễ khi nào gặp việc phải lo nghĩ, cáu giận hoặc uống ăn thất thường thì sinh ra chứng đi đái vặt luôn, mà lúc đái chỉ ra từng giọt, rất rít và buốt. Đến đêm đi nằm, vừa chợp mắt thì đái dầm lênh láng ngay. Khi thức dậy thì lại cứ đái rỏ giọt, rít và buốt như trước. Phàm các vị như Nhân sâm, Lộc nhung, Hà Sa đã uống rất nhiều, tuy không khỏi bệnh nhưng không hề chi; hễ uống đến Đan bì, Bạch truật thì bụng trướng vượt lên, đau không thể chịu. Trương nói: bệnh này tên là bào tý, do ăn nhiều vị cao lương, khiến nhiệt tích ở bộ phận trên; dâm dục quá độ, tinh bị thương ở bộ phận dưới; khí thấp nhiệt thừa hư kết tụ lại ở nội bào mà gây nên bệnh. Dùng bài Thận lịch thang cũng hơi có công hiệu. Nhưng xét cái nguyên nhân gây nên tình trạng không nằm yên được, hễ ngủ thì đái dầm là do can hư hỏa nhiễu, khiến cho hồn mộng không yên và mất các chức năng sơ tiết. Sở dĩ uống Mẫu đơn là một vị có tác dụng sơ tiết, mà phát trướng, là vì nó không chịu nổi cái tính "hương thoán” và làm kích động tới âm hỏa. Uống Bạch truật là một vị bổ tỳ mà cũng trướng, là vì nó không chịu nổi cái khí vị "trọng trọc” có thể làm cho khí thấp nhiệt úng trệ, Đến như uống Sâm, Nhung, Hà sa là các vị ôn bổ thì lại không hề chi, là vì "hư" nên chịu đựng được các loại "nhiệt", nhưng dù có chịu đựng được cũng không ích gì. Sau đó dùng bài Tang phiêu tiêu tán, đun cật (bầu dục lợn) để lấy nước luyện làm hoàn cho uống, đồng thời dặn phải kiêng kị phòng dục, uống hết một tễ, bệnh khỏi. 

- Hoàng Nguyên Cát hơn 60 tuổi, bị mù, nuôi một người thiếp để giúp đỡ mọi việc. Được ít lâu phát sinh chứng đi đái rỏ giọt. Qua mùa Xuân, không may bị ngã, rồi thành mê man vãi đấi. Từ đó về sau, lại thêm chứng đái dầm, cứ cách một ngày hoặc 2, 3 ngày lại đái dầm một lần. Tới trung tuần tháng hai, bệnh lại càng nặng, ban ngày tức đái mà không đái được, cứ phải ngồi vào trong chậu nước nóng ngâm một lúc thì mới đái ra được đôi chút. Nhưng hễ nhắm mắt chợp ngủ là đái dầm ngay. Trương chẩn mạch có lúc Hư Đại, có lúc Tế Sác, mà quan bộ bên tả thì luôn luôn biểu hiện Huyền tượng. Đó là một chứng triệu Thận khí quá hư mà sắp đi đến tình trạng "hạ thoát”. Liền cho uống luôn 2 thang Địa hoàng ẩm tử. Chứng đái rỏ giọt hơi bớt, chứng đái dầm cũng thưa. Kế đó, cho uống Bát vị hoàn bỏ Đan bì, Trạch tả, gia Lộc nhung, Ngũ vị, Ba kích, Viễn chí. Uống hết một tễ, bệnh khỏi". 

Xem 2 y án trên, tuy cùng là bệnh đái rỏ giọt, đái dầm, mà phương pháp điều trị lại riêng biệt. Đủ chứng tỏ biện chứng luận trị là một việc rất cần thiết- không thể thấy chữa một bệnh được khỏi, rồi dùng ngay phương thuốc đó để chữa bệnh sau, như một số người đã tưởng lầm. 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990