Logo Website

Bài thuốc hay phòng và chữa các bệnh về Răng - miệng

19/01/2018
Bệnh răng - miệng nói chung thường hay gặp ở mọi lứa tuổi, nước nào cũng có. Đặc biệt Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân mắc bệnh này thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong đó, một số tỉnh phía Nam nước ta, người dân thường hay ăn ngọt, uống nước lạnh nhiều nên có tỷ lệ cao hơn so với cả nước. Nguyên nhân bệnh là do các loại vi khuẩn tồn tại lâu ngày trong răng, miệng gây ra. Đối tượng mắc bệnh này, thường bắt đầu từ trẻ em là chính. Để việc phòng bệnh và chữa bệnh răng - miệng, cũng hãy bắt đầu từ những đối tượng này trở đi.

Bệnh về răng - miệng gồm một số bệnh cụ thể, như sau: Sâu răng, viêm lợi (tức viêm bọng răng), chảy máu chân răng, răng lung lay, lở loét miệng ...

1- Bệnh sâu răng.

Sâu răng gây ra đau buốt, có thể làm vỡ răng, làm mất thẩm mỹ và gây ra hôi miệng. Nó còn ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, sức khỏe và sự tiếp súc với mọi người xung quanh.

Hỏng răng

a- Nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh sâu răng là do vi khuẩn, chất đường trong thức ăn còn tồn tại trong răng - miệng. Những vi khuẩn loại này bám vào bề mặt răng, tiêu hóa chất đường để tạo ra A xít. Chúng ăn mòn chất vô cơ ở men răng, gây ra tiêu tủy răng, làm thành lỗ sâu (thường gọi là sâu cối).

b- Triệu chứng của bệnh sâu răng.

Răng bị sâu khi ăn đồ nóng, lạnh, chua, ngọt… sẽ gây ra đau, buốt. Nếu tủy răng bị viêm, lại không được vệ sinh thường xuyên có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp xe răng.

Đối với trẻ em, nếu bị nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng sau này. Đặc biệt, có trường hợp nhiễm trùng răng sữa gây ra nhiễm trùng Huyết ( tức nhiễm trùng máu vô cùng nguy hiểm, có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng con người) hoặc nhiễm trùng sang các vùng khác trên mặt

2- Bệnh viêm lợi, chảy máu chân răng.

Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh viêm lợi hoặc chảy máu chân răng, cũng là do các loại vi khuẩn gây nên. Khi răng - miệng không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ tấn công đến tận chân răng và sản sinh tại đó các enzyme ( enzyme là các protein xúc tác các phản ứng hóa học) có khả năng phá hủy sự liên kết của các biểu mô.

Viêm lợi

Đối với trẻ em, triệu chứng ban đầu là sốt, nhức đầu, đau miệng, khó nuốt và nổi hạch cổ. Sau đó là giai đoạn xuất hiện các mụn nước trên lợi, lưỡi, môi, má. Mụn nước màu xám, đột ngột vỡ ra sau vài giờ và để lại vết loét màu vàng nhạt, rất đau, gây ra viêm lợi, chảy máu chân răng.

Tóm lại: Bệnh về răng - miệng thường gây ra đau, buốt, ảnh hướng đến quá trình ăn uống, sinh hoạt, học tập và làm việc của mỗi người.

Đối với những chiếc răng bị sâu thường không ảnh hưởng chung đến cả hàm răng.

Còn bệnh viêm lợi ( viêm bọng răng), gây cho lợi bị hoại tử và chảy máu chân răng. Lâu dần vì mất chỗ dựa, nhiều răng bị lung lay, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả hàm răng.

Do đó, bệnh viêm lợi, chảy máu chân răng nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ nguy hiểm hơn bệnh sâu răng rất nhiều.

- Bệnh chảy máu chân răng, nếu không điều trị kịp thời, đúng phương pháp dễ dẫn đến bệnh mạn tính hoặc nhiễm trùng Huyết như đã nói ở trên.

Bài thuốc:

( Ví dụ thuốc làm cho một gia đình; nếu làm cho một đơn vị, tập thể thì liều lượng cao hơn, dùng sao cho phù hợp).

 Gồm các vị:

 - Búp Bàng hoặc lá Bàng non: 300 ~ 400g,

 - Vỏ quả Thạch lựu: 200 ~ 300g ( mua quả ở chợ về ăn, sau lấy vỏ dùng), nếu không có vỏ Thạch lựu thì dùng số lương búp Bàng tăng gấp đôi để bù vào cũng được.

- Hành khô bóc vỏ: 200~300g.

- Vỏ cây Xà cừ: 400~500g ( cạo sạch lớp vỏ ngoài).

Nếu người nào có điều kiện thì ra chợ mua thêm: 100 ~ 200g Phèn chua, 100~200g Ngũ bội tử  ( Ngũ bội tử mua ở hiệu thuốc Bắc, về đập vỡ rồi rửa sạch) và thêm 100~ 200g Quế chi cho thơm. Một hoặc cả ba vị này nếu ngâm cùng với các vị thuốc trên, thì công dụng của bài thuốc sẽ nâng lên rõ rệt.

1- Có 2 cách chế biến: Ngâm rượu và đun sắc lấy nước.

a- Ngâm rượu.

Các vị thuốc đem rửa sạch, phơi se thuốc, cho vào một cái bình sạch, đổ rượu ngâm ngập từ 10 ~ 15cm.

Thuốc ngâm độ hai tháng thì dùng được. Mỗi khi dùng, lắc thuốc cho đều, chắt nước ra qua một miếng vải sạch để lọc cho sạch. Nước đó đổ vào chai Lavi nhỏ để dùng dần.

Có thể pha thêm ít nước sôi để nguội cho thuốc bớt cay, nóng. Chai thuốc này lấy ra chỉ nên đủ dùng cho 1 ~ 2 tháng. Không nên dùng lâu, vì khi pha nước sôi thuốc sẽ giảm nồng độ.

Lưu ý: Bình thuốc cạn lại đổ rượu vào ngâm tiếp đến lần thứ 2. Thuốc hết làm tiếp bình thuốc khác. Thuốc làm phải sạch, càng để lâu càng tốt.

b- Đun, sắc lấy nước đặc ( chủ yếu dùng cho trẻ em và người sợ rượu cay đắng).

Các vị thuốc khi đun bằng 1/2 các vị thuốc nói trên, cho nước ngập độ 3 đốt ngón tay, cho thêm ít muối ăn, Phèn chua 20g và Ngũ bội tử 20g (nếu có) để đun cùng.  Thuốc đun sôi âm ỷ khoảng 2~3 giờ thì dùng được.

Thuốc đun xong để cho nguội, cũng dùng vải sạch để lọc cho sạch nước thuốc. Loại  thuốc này vì không ngâm với rượu nên không thể lâu được. Vì vậy hãy đóng vào các chai hoặc lọ để ở tủ lạnh dùng dần.

2- Cách sử dụng:

a- Đối với người lớn: Mỗi  khi thấy có hiện tượng bị các bệnh như: Sâu răng, viêm bọng răng, chảy máu chân răng, răng lung lay, đau nhức chân răng, lở loét miệng…lấy thuốc ra, đổ vào 2 ~ 3 nắp chai Lavi để ngậm và xúc miệng từ 5~ 10 phút, xong rồi nhổ đi.

Ngày ngậm thuốc từ 1 ~ 2 lần, ngậm sau khi ăn uống. Nên ngậm thuốc vào các thời điểm như: Sáng sớm sau khi đánh răng xong, trước khi ăn khoảng 1 giờ và trước khi đi ngủ về ban đêm. Sau khi ngậm thuốc không nên ăn hoặc uống cái gì tiếp theo.

Theo định kỳ, có thể từ 1~ 2 tháng một lần ngậm thuốc để diệt khuẩn và phòng các bệnh về răng - miệng. 

 Ngậm thuốc có tác dụng diệt được vi khuẩn bám ở tất cả các vị trí trong răng, miệng. Do đó, dùng phương pháp này để phòng và chữa bệnh răng  - miệng là có hiệu quả nhất.

b- Đối với trẻ em: Nên dùng loại thuốc đã đun để ngậm, xúc miệng (nếu dùng thuốc ngâm rượu, pha thêm nước sôi để nguội, với liều lượng nhiều hơn người lớn để bớt cay, đắng).

Với các cháu lớn tuổi, bố mẹ các cháu nên thường xuyên động viên và hướng dẫn cách ngậm thuốc cho các con, để phòng và chữa bệnh về răng - miệng.

Đối với các cháu bé, khi các cháu ngủ say, cha mẹ các cháu hãy dùng que bông sạch, thấm vào thuốc đã đun, bôi vào những chiếc răng bị sâu và xung quanh chân răng, cả hai hàm cho các cháu.

Lưu ý: Loại nước thuốc ngâm rượu, ngoài chữa bệnh các về răng - miệng, còn có thể dùng để chữa được một số bệnh như sau:

-   Dùng để uống: Chữa sôi bụng, ăn uống không tiêu, bị tiêu chảy.

-   Dùng bôi chữa bệnh ngoài da: Ghẻ lở, hắc lào, vết thương bị nhiễm trùng.

-  Pha thêm một phần tư nước sôi để nguội, còn chữa các bệnh: Đau mắt, ngứa mắt; viêm, tắc mũi; ngậm nuốt từ từ chữa viêm họng, ngứa họng…

- Mỗi người nên cho thuốc vào một chiếc lọ nhỏ, có thể luôn mang đi bên mình, khi cần là có thuốc dùng ngay.

-  Bài thuốc trên có thể áp dụng tốt cho mọi đối tượng, các thế hệ là người Việt Nam, hoặc cả người nước ngoài. Đặc biệt là các cháu mẫu giáo, học sinh các trường phổ thông, chuyên nghiệp; những chiến sĩ thuộc các đơn vị trong lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi biên cương, hải đảo.

Tác giả bài thuốc: Lương y Ngô Công Tình tham gia khám, chữa bệnh miễn phí

Tác giả bài thuốc: Lương y Ngô Công Tình tham gia khám, chữa bệnh miễn phí

LTG: Đã trên 50 năm qua, tôi thường xuyên ngậm thuốc chữa sâu răng để phòng và chữa các bệnh về răng - miệng. Đến nay tôi đã gần 67 tuổi, bộ răng của  tôi vẫn còn trắng và bền chắc gần được như xưa kia. Lúc còn trẻ tôi ăn mía cây như thế nào, đến nay tôi vẫn ăn được như thế.

Để chữa bệnh về răng - miệng nói chung, tôi có rất nhiều bài thuốc hay. Nhưng nay tôi xin giới thiệu bài thuốc này phổ biến tới nhiều người dân được biết.