Logo Website

BẠC HÀ CAY

18/02/2018
Thân vuông cao 40-80cm, thường có màu tím. Lá mọc đối, hình trái xoan - nhọn; mảnh, ít lông, dài 4-8cm, rộng 1,5-2,5cm, màu lục tới lục - đo đỏ, mép có răng thô. Hoa xếp thành vòng tụ họp thành bông dày đặc ở ngọn thân, mỗi hoa dài cỡ 8mm, hơi có hai môi, tràng hoa màu tía hay hồng đỏ.

BẠC HÀ CAY

Herba Menthae

Tên khoa học: Mentha piperita L., họ Bạc hà (Lamiaceae). 

Tên khác: Bạc hà Âu

Bộ phận dùng: Thân, cành mang lá (Herba Menthae)

Phân bố, sinh thái: Loài được nhập từ Pháp và Liên Xô (cũ), Ðức từ những năm 1956-1962 vào nước ta. Cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng ôn đới ấm hoặc vùng cận nhiệt đới. Do đó cây chỉ trồng được ở một số tỉnh phía bắc và ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Cây sinh trưởng mạnh từ giữa mùa xuân đến giữa mùa hè; ra hoa nhiều nhưng không kết quả. Cây trồng ở Việt Nam cho năng suất chất xanh và tinh dầu thấp, vì vậy không được phát triển rộng. 

Mô tả: Thân vuông cao 40-80cm, thường có màu tím. Lá mọc đối, hình trái xoan - nhọn; mảnh, ít lông, dài 4-8cm, rộng 1,5-2,5cm, màu lục tới lục - đo đỏ, mép có răng thô. Hoa xếp thành vòng tụ họp thành bông dày đặc ở ngọn thân, mỗi hoa dài cỡ 8mm, hơi có hai môi, tràng hoa màu tía hay hồng đỏ. Có nhiều chủng được trồng khác nhau bởi màu sắc lá thân, bởi mùi vị của tinh dầu, như Bạc hà trắng (var. officinalis Sole. f. pallescens Camus), Bạc hà đen (var. officinalisSole f. rubescens Mitcham).

Bạc hà cay là dòng lai giữa Mentha aquatica L. và Mentha viridis L.

Thu hái: Thu hái vào khoảng tháng 5, 8, 11 thu hoạch lúc cây mới ra hoa, rửa sạch dùng tươi hoặc phơi trong râm cho khô.

Thành phần hoá học:

Flavonoid (menthosid, isorhoifolin, hesperetin, eriodictyol -1-O- rutinosid, luteolin – 7 – O – rutinosid và rutin), phytol, các tocopherol (α và y), carotenoid (α – và ß – caroten), betain, cholin, azulen, acid rosmarinic và tanin.

Tinh dầu: Hàm lượng tinh dầu 0,1 – 1,0% (thông thưòng 0,3 – 0,4%), các câu tử trong tinh dầu có menthol 29 – 48%, menthon 20 – 31%, menthyl acetat 3 – 10%, menthofuran 1 – 7%, limonen. Các thành phần khác trong tinh dầu bạc hà cay là viridiflorol, pulegon 1 – 11%, 1,8 – cineol 6 – 7,5%, piperiton, caryophylen, bisabolen, isomenthon, isomenthol α – và ß – pinen, neomenthol, ledol, D–trans–Sabinen hydrat, bicycloelemen…

Menthol thiên nhiên tả tuyền, còn menthol tổng hợp có thể hữu tuyền hay racemic. Dược điển Việt Nam II quy định tinh dầu phải chứa 60% menthol toàn phần và 9% menthol ở dạng ester (biểu thị bằng menthylacetat).

Khi cất tinh dầu, người ta để héo cây bạc hà trong 24 giờ, rồi mới cất để chuyển hóa menthon thành menthol. Lá non có nhiều menthon hơn.

Ở nụ hoa, có nhiều menthofuran. Menthofuran có mùi thơm dễ chịu, cần có trong tinh dầu với một lượng nhỏ. Nhưng có nhiều lại dễ bị oxy hóa, tinh dầu dễ hóa nhựa.

Một số nhà khoa học trên thế giới đã lai tạo được nhiều chủng loại M. piperita mới, mỗi chủng lại giàu riêng từng chất như menthol, menthofuran, piperiton oxyd, linalol và carvon.

Một số chủng giàu menthol đã được đưa vào sản xuất đại trà. Bạc hà M 183 có hàm lượng tinh dầu 3,2 – 3,5%. Tinh dầu chứa 77,6% menthol, 3,5% menthol ester. Bạc hà MC 41 có hàm lượng tinh dầu 4,46%, tinh đầu chứa 85,4% menthol.

Tính vị, tác dụng: Bạc hà cay có vị cay, mùi thơm tính ấm. Tinh dầu Bạc hà cay có mùi thơm mát, không hắc như tinh dầu Bạc hà. Có tác dụng sát trùng, làm dịu và chống co thắt nhất là đối với ống tiêu hoá. Nó kích thích sự tiết các dịch tiêu hoá, nhất là mật, cũng có tác dụng tiêu viêm.

Công dụng: 

Ở các nước châu Âu, dùng các ngọn mang hoa phơi khô của bạc hà cay để chế các đồ uống, và chè bạc hà dùng dưới dạng nước hãm. Cũng được dùng trong công thức chế các rượu mùi và rượu bia đắng. Nước hãm lá bạc hà cay dùng uống làm dễ tiêu, chống lên men thối rữa, và để an thần, bôi ngoài làm dịu ngứa, và hít để gây long đờm, rượu ngâm lá bạc hà cay uống trị đau bụng, nhức đầu, buồn nôn. Dịch ép từ lá tươi trộn với ít muối, uống trị tiêu chảy.

Cách dùng, liều lượng: Dùng dưới dạng thuốc xông, thuốc hãm 12-20g mỗi ngày.

Bài thuốc:

1. Cảm cúm, đau đầu, sổ mũi: Dùng Bạc hà 5g, hạt Quan âm, Cúc hoa vàng mỗi vị đều 10g. Kinh giới 7g, Kim ngân hoa 15g, sắc uống.

2. Ðau họng: Dùng Bạc hà 5g, Ngưu bàng, Huyền sâm, Cát cánh, Cam thảo mỗi vị 10g sắc uống.

Ghi chú: Bạc hà cay được sử dụng là một loài lai giữa Mentha aquatica L. và M. spicata L.

Bài viết Lamiaceae-họ Bạc hà khác